Làng gốm Chu Đậu – Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt

Gốm sứ Việt Nam từ trước đến nay luôn là niềm tự hào của mảnh đất hình chữ S, mỗi làng gốm đều có lịch sử phát triển của riêng mình. Gốm Chu Đậu cũng được hình thành và phát triển theo những thăng trầm của dòng chảy lịch sử nước nhà.

Gốm Chu Đậu - dòng gốm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Gốm Chu Đậu – dòng gốm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Tìm về cội nguồn lịch sử gốm Chu Đậu

Vào khoảng thế kỷ 15, Chu Đậu là một xã nhỏ của huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh sông Lục Đầu, có thể về Thăng Long và ra biển thuận lợi cho giao thương buôn bán với nước ngoài.

Gốm Chu Đậu là dòng gốm cao cấp nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, hình thành và phát triển vào khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 14, tuy nhiên, làng gốm bắt đầu lụi tàn vào sau thế kỷ 15 – 16, giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến ác liệt nhất giữa Lê – Mạc.

Gốm Chu Đậu xuất hiện vào khoảng thể kỷ 13 -14
Gốm Chu Đậu xuất hiện vào khoảng thể kỷ 13 -14

Loại gốm sứ này được nhắc đến với tên Chu Đậu là do các di tích về gốm được tìm thấy lần đầu tiên ở Chu Đậu. Về sau, người ta còn tìm thấy khối lượng di tích đa dạng và và một số loại nước men tại Mỹ Xá (làng bên cạnh Chu Đậu).

Tương truyên rằng, ông tổ của dòng gốm sứ Chu Đậu là ông Đặng Huyền Thông , người xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng bà Bùi thị Hý mới là tổ nghề gốm Chu Đậu.

Nghề sản xuất gốm sứ ở làng gốm Chu Đậu thất truyền cách đây đã hơn 3 thế kỷ. Truyền thuyết về nghề này cũng ít khi được nhắc tới, chỉ còn một di tích gọi là Đống Lò được nhiều người biết đến, nhưng cũng không ai biết lò sản xuất gì. Tìm trong thư tịch tại địa phương, có ghi trong gia phả họ Vương ở Đặng Xá vào đầu thế kỷ này, có một chi của dòng họ chuyển về Bát Tràng (Hà Nội) để làm bát. Thay vào nghề làm đồ gốm là nghề dệt chiếu – chiếu Đậu từng nổi tiếng một thời.

Những nét riêng của làng gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu được coi là gốm Đạo vì những hoa văn trên gốm đều mang đậm giá trị nhân văn của Phật Giáo và Nho giáo. Mỗi sản phẩm đều toát lên vẻ đẹp dung dị của người dân Việt Nam.

Nguyên liệu để làm gốm Chu Đậu là đất sét trắng được lấy từ vùng Trúc Thôn (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có độ dẻo cao, khó tan trong nước, hạt mịn, màu trắng xám, chịu được lửa ở khoảng 1650 độ C.

Gốm Chu Đậu được làm từ đất sét trắng
Gốm Chu Đậu được làm từ đất sét trắng

Đất sét sau khi lấy về sẽ được hòa trong nước, sau đó lọc qua hệ thống bể chứa để loại bỏ tạp chất. Quá trình lắng lọc sẽ tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, thêm chất phụ gia rồi phối luyện thành hồ gốm. Gốm được lắng lọc càng lâu thì màu gốm càng bóng, đẹp và trong. Đất sau khi đạt được độ dẻo, mịn cần thiết sẽ được người thợ chuốt nặn trên bàn xoay.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn đều được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm. Cách trang trí gốm Chu Đậu rất phong phú, từ đắp nổi, khắc chìm, vẽ công phu, phóng bút và thần bút thật phóng khóang và điêu luyện nhưng luôn được đặt trong một chuẩn mực nghiêm ngặt về thẩm mỹ.

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt. Người thợ vẽ xưa đã phản ánh sinh động khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân giã của người Việt, hoa sen, hoa cúc, hình lá chuối, vịt trời bay trên sông, chích chòe tìm sâu trong vườn, những nét vẻ sóng nước hình thang tạo hình như vương miện vua Hùng đính những lông chim lạc việt… đều thể hiện vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam.

Sản phẩm gốm Chu Đậu thường được vẽ bằng tay
Sản phẩm gốm Chu Đậu thường được vẽ bằng tay

Đặc biệt, hoa văn trên gốm Chu Đậu được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men. Màu vẽ dưới men chủ yếu là Oxy cơ bản, phủ ngoài men tro và ngọc chảy đọng hoặc nét khắc tô nâu nền men trắng đục mờ. Men gốm Chu Đậu được làm từ vỏ trấu, đa phần là men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, tam thái.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công với đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn. Chính những đều khác biệt này đã tạo nên những điểm rất riêng trong gốm sứ Chu Đậu không thể lẫn lộn với các loại gốm khác.

Sau gần 4 thế kỷ bị mai một, làng gốm Chu Đậu đang dần hồi sinh. Các sản phẩm gốm Chu Đậu hiện đại đã học hỏi, kết tinh những tinh hoa của gốm Chu Đậu cổ làm nên các sản phẩm tinh tế về nghệ thuật. Các sản phẩm được bán trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới. Dù ở bất cứ nơi đâu gốm Chu Đậu cũng làm say mê lòng người bởi hình dáng, lớp men và hoa văn đậm đà bản sắc Việt Nam.

Gốm Chu Đậu đang dần được hồi sinh sau thời gian dài bị quên lãng
Gốm Chu Đậu đang dần được hồi sinh sau thời gian dài bị quên lãng

Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hồi sinh làng gốm Chu Đậu trong những năm qua, chúng ta càng thêm hy vọng về một tương lai tương sáng cho làng gốm Chu Đậu, các sản phẩm gốm Chu Đậu sẽ tìm lại một thời vàng son đã qua để tất cả những thứ thuộc về nơi này đều cũng sẽ không bị lãng quên.

Cùng với gốm sứ Chu Đậu, các dòng gốm sứ khác ở Việt Nam cũng đang trên đà phát triển, trong đó gốm sứ Bát Tràng là một trong những “đứa con” tiên phong và có những bước đi đột phát trong những năm gần đây. Vẫn giữ được nét truyền thống, sự hoài cổ trong từng tác phẩm nhưng với sự sáng tạo và yêu nghề của những nghệ nhân Bát Tràng đã và đang đưa các sản phẩm gốm Bát Tràng vươn xa trên trường quốc tế.

=>>> Xem Thêm: Làng gốm Bát Tràng tiềm năng và cơ hội phát triển

Bài viết liên quan

Làng gốm Bát Tràng tiềm năng và cơ hội phát triển

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 10km, men...

Lịch sử hình thành và phát triển các làng gốm sứ Việt Nam

Từ lâu, gốm sứ là một phần không thể thiếu...