Điều gì biến Vĩnh Long thành “Vương quốc gốm đỏ”

Men theo dọc dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long chúng ta rất dễ bắt gặp những lò gạch, gốm, nhìn từ xa tựa như những tòa lâu đài thu nhỏ. Không chỉ được biết đến là vùng đất trù phú với những vườn trái cây trĩu mọng, Vĩnh Long còn tự hào với những làng gốm truyền thống, nổi tiếng trong cả nước, thậm chí còn xuất khẩu ra cả nước ngoài. Vậy điều gì đã biến Vĩnh Long trở thành vương quốc gốm đỏ nổi tiếng miền Tây?

Điều gì biến Vĩnh Long thành Vương quốc gốm đỏ?

Gốm đỏ Vĩnh Long từ những ngày đầu hình thành

Dòng Cửu Long đỏ nặng phù sa, hàng năm mang về cho vùng đồng bằng Nam Bộ hàng triệu mét khối phù sa. Không chỉ bồi đắp cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, những miệt vườn trĩu đầy trái ngọt, những hạt phù sa đỏ ối còn tụ lại Vĩnh Long góp phần hình thành ở đây những mỏ sét quý giá.

Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, hàng nghìn cơ sở sản xuất và miệng lò gạch gốm mọc ven sông khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng và cảm giác lâng lâng như đang lạc vào một “vương gốm gốm đỏ” xứ miền Tây.

Tại Vĩnh Long, nếu làng nghề gạch có đã từ lâu, thì “vương quốc gốm đỏ” nằm vắt bên dòng Cổ Chiên xuất hiện chậm hơn, chỉ ngoài 20 tuổi. Gốm Vĩnh Long được manh nha hình thành vào năm 1983. Khi đó, chỉ có một doanh nghiệp thí điểm sản xuất gốm bằng lò dài với chất đốt là gỗ tạp. Mãi đến 10 năm sau (1993) gốm đỏ Vĩnh Long mới được ký hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.
Sau đó, đến năm 1997, ba người là Nguyễn Tấn Nghĩa, Nguyễn Phước Lộc và Tư Khiêm ở thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ nghiên đã nghiên cứu dùng gốm mỹ nghệ nung trong lò gạch truyền thống và thành công. Chất đốt là trấu nên mang lại hiệu quả và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn, giúp gốm đỏ Vĩnh Long phát triển nhiều hơn về số lượng và chất lượng sản phẩm.

Các sản phẩm gốm Vĩnh Long có mẫu mã đa dạng

Chủng lọai sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long có sự phát triển đa dạng với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng, nội thất. Ngoài các sản phẩm gốm đỏ truyền thống, các nghệ nhân, các doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thêm gốm men, gốm đen, gốm giả đồng, v.v…
Các sản phẩm gốm của làng gốm Vĩnh Long dù “sinh sau đẻ muộn” hơn so với những làng ghề gốm khác trong cả nước nhưng nó lại có nét độc đáo riêng, đó là dòng gốm không men. Không có màu đỏ ối của gạch, ngói, gốm Vĩnh Long có màu hồng tự nhiên, sau khi nung sẽ ửng lớp phấn trắng phơn phớt bên ngoài như sương.

Quá trình sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long

Nguyên liệu làm gốm Vĩnh Long chính là đất sét được khai thác trên đồng. Sau khi đất được chuyển lên kho sẽ được chuyên gia phân loại và xếp thành từng loại khác nhau. Tiếp đến, đất sẽ được cho vào cối ép để nhào cho thật mịn.

+ Công thức pha đất của gốm Vĩnh Long

Pha đất được xem là một công đoạn quan trọng, bởi độ nhót, độ cứng, màu sắc sản phẩm đều sẽ phụ thuộc vào công đoạn này. Tùy theo sản phẩm mà người pha đất sẽ có những bí quyết riêng của mình. Sau khi pha đất xong, người thợ sẽ nhào nặn 4 lần cho thật mịn rồi mới chở từng khối lên khuôn in.

+ Công đoạn tạo mẫu, làm khuôn và xu của thợ gốm Vĩnh Long

Đây là công đoạn của những người họa sĩ, thông thường các mẫu gốm sẽ được khách hàng đặt theo ca-tơ-lô, họa sĩ sẽ tạo ra một mẫu bằng thạch cao y như mẫu thật. Có mẫu rồi thì sẽ đổ khung thạch cao để làm khuôn.
Tiếp theo, thợ in dùng đất pha sẵn ép vào khuôn. Khuôn có thể có nhiều mảnh ghép, người thợ phải ép đất vào từng mảnh, cuối cùng sẽ ghép lại thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm thường rỗng ruột nên nên người thợ in cần phải dùng nề để cắt đất ra khoảng một vài phân ly tùy theo yêu cầu trước khi ép khuôn. Ép xong để cho ráo mới dở khuôn cho người xu.
Thợ xu là người làm sáng bóng sản phẩm, chỉnh lại các họa tiết cho sắc xảo trước khi mang đi nung.

Quá trình làm gốm Vĩnh Long trải qua nhiều công đoạn

+ Gốm Vĩnh Long qua bàn tay thợ lửa

Với gốm Vĩnh Long, 3 yếu tố sống còn của sản phẩm chính là kích cỡ lò, pha đất và kỹ thuật nung.
Thợ lửa xưa nay ở làng gốm Vĩnh Long vẫn là nghề bí truyền. Người thợ lửa cần nắm được các vị trí nào lửa cháy mạnh, cháy yếu, chỗ nào nhiệt độ lò ổn định để bố trí từng loại sản phẩm khác nhau. Quy trình nung gốm thường diễn ra trong khoảng 7 ngày.
Ngày nay các người thợ Vĩnh Long đã không còn nung gốm bằng lò than thủ công như trước mà thay bằng lò gas, sấy sản phẩm bằng điện để các sản phẩm được nâng cao về chất lượng, phục vụ xuất khẩu.

Sắc gốm Vĩnh Long hôm nay

Nếu như so sánh gốm Vĩnh Long với những làng gốm khác trên đất nước Việt Nam như gốm Bát Tràng, Gốm Bình Dương… thì khó mà phân định, vì mỗi chất liệu sản phẩm điều có những nét độc đáo, vẻ đẹp riêng của mình.
Người Vĩnh Long được thiên nhiên ban tặng cho một tài nguyên đất sét mà không có một vùng đất nào có được nó. Trải qua bao thế hệ sáng tạo và đút kết ra kỹ thuật nung đất tuyệt vời: Nung bằng lò gạch. Nhiên Nhiên liệu nung gốm cũng đặc trưng vùng lúa nước: trấu.

Các sản phẩm gốm Vĩnh Long đang ngày càng được nâng cao và phát triển

Người Vĩnh Long có nền văn hóa đặc thù vùng đồng bằng nên màu sắc đặc trưng của gốm Vĩnh Long là màu của rơm rạ. Có một điều rất đặc biệt là qua bao thế hệ thì lò gốm Vĩnh Long vẫn chỉ đốt trấu quê mình và đất Vĩnh long chỉ kết khối ở nhiệt độ 900 độ C. Nhiều người bảo rằng đó là cái hồn của gốm Vĩnh Long.
Mặc dù, các sản phẩm gốm Vĩnh Long cũng có đa dạng về mẫu mã sản phẩm, song, do biến động kinh tế khiến cho ngành sản xuất gốm nơi đây gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, gốm đỏ Vĩnh Long vẫn chỉ phục vụ xuất khẩu ủy thác thông qua các doanh nghiệp trung gian là chính, quy trình sản xuất không có sự đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Do vậy, để khắc phục những hạn chế và phát triển hơn nữa ngành sản xuất gốm đỏ Vĩnh Long thì làng gốm cần phải tái cơ cấu sản xuất và phát triển vào chiều sâu. Các sản phẩm cần tiếp tục cải thiện và phát huy sức mạnh thương hiệu của mình để trở thành một sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh làng sự phát triển của làng gốm Vĩnh Long thì trải dài đất nước Việt Nam vẫn còn rất nhiều làng gốm nổi tiếng, trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng. Làng gốm được biết đến như sự kết tinh của tinh hoa gốm Việt với những sản phẩm không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn đậm chất truyền thống và cả tâm hồn người nghệ nhân làm nên tác phẩm.

=>>> Xem thêm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghé thăm làng gốm Bát Tràng

Bài viết liên quan

Hành trình tìm về làng gốm sứ Bình Dương

Cùng với các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Biên...

Lịch sử hình thành và phát triển các làng gốm sứ Việt Nam

Từ lâu, gốm sứ là một phần không thể thiếu...

Làng gốm Bát Tràng tiềm năng và cơ hội phát triển

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 10km, men...